Quan điểm rất thịnh hành trong cộng đồng khởi nghiệp và giữa các CEO là, điều quan trọng là phải có đam mê, biết chú tâm, có tham vọng và dám cống hiến thì bạn mới có thể tự khiến mình làm việc hiệu quả.
Với những đặc tính này, chúng ta luôn có thể thúc đẩy bản thân mình làm được nhiều hơn nữa – hoặc ít ra đó cũng là điều người ta nghĩ.
Tuy nhiên, nghiên cứu về giờ làm lại cho thấy làm quá nhiều sẽ dẫn tới tình trạng kém hiệu quả chứ không phải là hiệu quả hơn.
Nó cũng được gắn với việc làm tăng các bệnh về tim mạch, tiểu đường và gây ra các tác động tiêu cực cho sức khoẻ, mà tất cả những thứ đó đều khiến cho hiệu quả công việc bị giảm sút.
Vậy làm việc bao nhiêu giờ là quá nhiều? Và tính hiệu quả sẽ giảm tới mức nào khi ta làm việc quá nhiều tới một ngưỡng nào đó?
Cách duy nhất để biết là phải đo lường sản phẩm đầu ra của các nhân công thực sự. Kết quả phân tích được thực hiện hồi năm 2015 đối với dữ liệu về công nhân làm việc theo mô hình không bình thường trong Thế Chiến I có thể đưa ra một số lời đáp chắc chắn.
Điểm tối ưu?
Trong thời chiến, Anh Quốc cần nhanh chóng sản xuất vũ khí, đạn dược. Vì hầu hết đàn ông phải ra chiến trường, cho nên phụ nữ, những người hồi đó lẽ ra là không làm việc trong các nhà máy, đã được tổng động viên.
Họ được gọi là “munitionettes” – những người phụ nữ làm việc trong nhà máy sản xuất đạn dược. Họ làm công việc ta-rô tạo ren trên các bộ phận khác nhau của vũ khí, vỏ đạn trước khi đem chúng lắp ráp thành sản phẩm hoàn chỉnh, và cho kíp nổ vào rồi bít kín lỗ trên vỏ đạn.
Vào năm 1915, chính phủ Anh thành lập Uỷ ban Theo dõi Sức khoẻ Công nhân Sản xuất Đạn dược (Health of Munition Workers Committee – HMWC) để giám sát tình trạng làm việc và tư vấn về các vấn đề liên quan tới giờ làm.
Uỷ ban đã thu thập được những dữ liệu phong phú, giúp ta biết rất nhiều về những gì xảy ra khi con người phải làm việc nhiều giờ.
Thông tin này đặc biệt hữu ích, nhờ vào tính chất công việc và công nhân đảm nhiệm công việc: các công nhân chỉ có một ca làm việc, và họ đều làm các tác vụ giống nhau, giúp cho việc đo đếm trở nên dễ dàng, đơn giản.
Uỷ ban có thể xác định được họ làm việc vào những ngày nào, giờ nào bằng cách xem bảng chấm công điện tử ở nhà máy. Các thông tin này rất rõ ràng và có thể tính đếm được chính xác, cho nên chúng là nguồn dữ liệu vô cùng đáng giá cho các nhà nghiên cứu.
Kết quả phân tích 2015 trên những dữ liệu này cho thấy khi tăng giờ làm, năng suất cũng tăng, nhưng chỉ tới một mức nhất định.
Sản lượng làm ra mỗi giờ sẽ đạt mức cao nhất khi công nhân làm việc 40 giờ một tuần, rồi sau đó giảm đi.
Tác giả nghiên cứu, Tiến sỹ JohnH Pencavel, giáo sư khoa kinh tế của Đại học Stanford, cho rằng có một điểm tối ưu (sweet spot) trong số giờ làm việc mỗi tuần của chúng ta.
“Sau một điểm nhất định (điểm này có lẽ sẽ khác nhau giữa những người làm các công việc khác nhau), thì việc làm thêm một hay vài ba giờ nữa sẽ cho năng suất cao hơn (hoặc chất lượng công việc cao hơn) ở các trường hợp làm việc 30 giờ một tuần so với những người đã làm 40 giờ một tuần,” ông viết trong email.
Pencavel viết về các công nhân sản xuất đạn dược trong cuốn sách của ông, Giảm Hiệu Suất Công Việc: Hậu Quả Khi Làm Việc Nhiều Giờ (Diminishing Return at Work: The Consequences of Long Working Hours).
Trong cuốn sách, ông giải thích là họ thường làm việc trên 50 giờ một tuần, đôi khi phải làm tới 72 giờ.
Công nhân sản xuất đạn dược trong thời chiến thường làm việc trên 50 giờ một tuần, và có lúc họ làm việc tới 72 giờ – Getty Images
Các phân tích dựa trên số liệu mà Pencavel đưa ra cho thấy các tuần đạt sản lượng cao nhất không phải là các tuần công nhân phải làm việc nhiều giờ nhất.
Điều đó có nghĩa là tại một điểm nhất định, việc bỏ thêm thời gian ra để xử lý vấn đề sẽ không đem lại kết quả gì mà chỉ làm tốn thêm chi phí hoạt động.
Dành thời gian nghỉ ngơi
Vấn đề không chỉ nằm ở chỗ giờ làm: ngày nghỉ cũng đóng vai trò quan trọng trong việc tạo hiệu suất lao động.
Các công nhân sản xuất đạn dược thường làm nhiều ngày liên tục không nghỉ. Thời đó, làm việc vào thứ Bảy là chuyện bình thường, và các ngày Chủ Nhật cũng được quy định là ngày làm việc do đòi hỏi từ cuộc chiến.
Tuy nhiên, thỉnh thoảng họ được nghỉ một ngày Chủ Nhật. HMWC thu thập dữ liệu trong các điều kiện làm việc đó, và nhận ra rằng làm việc cả tuần không nghỉ chẳng có lợi cho ai. Sản lượng thì không tăng, còn công nhân thì không vui.
Pencavel cũng so sánh hiệu suất làm việc của các công nhân trong tuần trước và sau khi họ phải đi làm cả Chủ Nhật. Khi công nhân làm liên tục không nghỉ, sản lượng hàng tuần giảm từ 13,5% đến 17%.
Hoàn cảnh làm việc của các công nhân sản xuất đạn dược cũng rất đặc thù. Họ làm hoàn toàn thủ công, lặp đi lặp lại các động tác trong những điều kiện nguy hiểm.
Trong các nhà máy, phụ nữ chiếm đa số áp đảo so với một số ít đàn ông và thanh thiếu niên với tỷ lệ 4-1. Bởi họ được động viên đi làm để phụng sự tổ quốc và họ được trả lương dựa trên công việc cụ thể thay vì theo số giờ làm, cho nên có thể cho rằng động cơ làm việc của mọi nhân công là như nhau.
Giờ làm và hiệu suất công việc trong thời hiện đại
Sau 100 năm, kết quả của tình trạng làm việc quá nhiều có vẻ như cũng không khác so với người lao động làm việc trí óc.
Làm quá nhiều giờ gây phản tác dụng cho cả người lao động lẫn người sử dụng lao động, cho dù bạn đo đếm dựa trên việc giảm hiệu suất công việc, thiếu tính sáng tạo, giảm chất lượng hay đánh giá dựa trên việc người lao động thể hiện kỹ năng giao tiếp kém.
Nói vậy không có nghĩa là một khoảng thời gian ngắn làm việc nhiều giờ nhằm hoàn thành dự án hoặc để đạt tiến độ khi hạn chót đến gần là chuyện không có ý nghĩa gì.
Một số người có thể lập luận rằng bất chấp việc làm nhiều giờ, các CEO và quan chức cao cấp khác đầy đam mê trong công ty vẫn thành công và vững vàng trong công việc.
Tuy luôn có những trường hợp ngoại lệ, nhưng đến nay chưa có cơ quan nghiên cứu nào nói rằng làm việc nhiều giờ là tốt, trong lúc có khá đủ bằng chứng cho thấy làm việc ít giờ mỗi tuần có tác dụng tích cực đối với tất cả các kiểu người lao động.
Mọi người cần có những ngày nghỉ cuối tuần hoặc khoảng thời gian nghỉ vào lúc khác để phục hồi sức khoẻ và trở lại làm việc trong trạng thái tinh thần thoải mái, làm việc hiệu quả.
Một nghiên cứu thực hiện trên các công nhân Israel cùng được nghỉ hai tuần liền cho thấy mọi người đều thấy nhẹ nhõm, thư giãn trong thời gian nghỉ đó. Chuyện người này cảm thấy stress trước khi nghỉ còn người khác thì không không ảnh hưởng gì tới tâm lý mỗi người khi đi nghỉ.
“Đó là chuyện có thể xảy ra vào lúc này hay lúc khác, không bao giờ hết và tình trạng stress triền miên không thể thoát ra được chính là thứ gây ra tình trạng kiệt sức,” các tác giả nghiên cứu viết.
Tới chỗ làm rồi làm việc là điều khiến con người ta mệt mỏi. Cần có những khoảng thời gian nghỉ ngơi để họ có thể phục hồi sức khoẻ.
Có một nhân viên không thể tránh khỏi tình trạng phải làm việc nhiều giờ trong lịch làm việc dày đặc, thường là do điều kiện cụ thể của nơi họ làm việc.
Các nhân viên phản ứng tình trạng khẩn cấp, thuỷ thủ, thợ mỏ, tài xế xe tải đường trường, bác sỹ phẫu thuật và nhân viên hàng không đều có thể phải trải qua chuyện này.
Các nghiên cứu được thực hiện đối với các nhóm người đó thường chú trọng tới tác động của tình trạng thiếu ngủ, bởi làm việc nhiều giờ có nghĩa là họ không ngủ.
Những rủi ro và nguy hiểm trong những nghề nghiệp khác nhau là khác nhau, nhưng đều luôn mang tính tiêu cực trong trường hợp làm việc nhiều giờ dẫn tới tình trạng thiếu ngủ.
Vạch ra giới hạn
Có một lợi thế mà những người làm việc chân tay như các công nhân sản xuất đạn dược có so với hầu hết những ai làm việc trí óc, đó là họ có thể theo dõi và nắm được giờ làm việc của mình cũng như các việc mà họ đã làm trong khoảng thời gian đó một cách dễ dàng hơn.
Chẳng hạn như sẽ khó hơn nhiều trong việc xác định số lượng ‘sản phẩm’ công việc của những người làm việc bàn giấy nếu như công việc của họ là chăm sóc quan hệ làm ăn lâu dài giữa công ty mình với các công ty đối tác.
Trong hàng thập niên, các nghiên cứu về thời gian cho thấy công nhân trong Thế ký 20 và đầu Thế kỷ 21 đã đánh giá quá cao về số giờ, phút họ bỏ ra cho công việc, và coi nhẹ quá mức thời gian nghỉ ngơi của mình.
Thế nhưng do tính chất công việc thay đổi, cho nên việc xác định những gì có thể coi là “công việc” lại còn khó khăn hơn.
“Điều khó đối với những người lao động trí óc là làm sao để biết được họ đã làm bao nhiêu,” Tiến sỹ Erin Reid, phó giáo sư về nhân sự và quản lý tại Đại học McMaster ở Canada, nói.
“Nhiều người trong số họ được trông đợi lúc nào cũng phải sẵn sàng trả lời các email hoặc các tin nhắn liên quan đến công việc, bất kể ngày đêm, ngày cuối tuần, thậm chí cả khi đang đi nghỉ. Kết quả là thậm chí về mặt kỹ thuật là họ ‘đang nghỉ, không đi làm’, nhưng họ vẫn suy nghĩ và tham gia làm việc, và điều này khiến họ nhược cả người.”
Bà nói rằng ngoài chuyện làm việc kém hiệu quả, người ta còn có thể mất đi cảm giác vui sướng hoặc thỏa mãn mà họ từng có khi làm việc.
Các giải pháp nhằm ngăn ngừa tình trạng làm việc quá sức nghe đơn giản một cách đáng ngờ, liên quan tới việc vạch ra giới hạn làm việc và quản lý khối lượng công việc.
“Nhưng nói thật là chuyện làm việc nhiều giờ và đòi hỏi làm việc ngoài giờ đều do người quản lý áp đặt lên người lao động, và thường là một phần của văn hóa nơi làm việc hoặc của một số ngành nghề,” Reid nói. “Yêu cầu nhân viên tự giải quyết vấn đề chỉ là những giải pháp tạm thời, không toàn diện.”
Nói cách khác, chủ lao động và các vị quản lý phải nắm trách nhiệm hạn chế tình trạng làm việc quá nhiều.
Pencavel ghi nhận rằng một số chủ lao động nhận ra hậu quả của việc để nhân viên làm việc quá nhiều, nhưng không phải công ty nào cũng nhận thức được đầy đủ vấn đề này.
“Họ hoạt động theo cách thức nhất định trong từng giai đoạn nhất định, và nếu như họ vẫn đang làm ăn kinh doanh thì họ sẽ thấy chẳng có lý do gì mà phải thay đổi cả,” ông nói.
Một số chủ lao động đã thử áp dụng các lịch biểu làm việc khác, và điều chỉnh lịch làm việc sau khi xem kết quả nghiên cứu.
“Tại sao không có nhiều chủ lao động hơn nữa làm chuyện này, chuyện thử áp dụng các mức giờ làm việc khác nhau?” Pencavel đặt câu hỏi. “Tôi không biết là tại làm sao họ lại không làm vậy.”
Nguồn: BBC Worklife.